Đại Đường Tây Vực Ký. Phê bình bản dịch của Thích Như Điển

2.2K 1 1
                                    

Đại Đường Tây Vực Ký. Phê bình bản dịch của Thích Như Điển (Chùa Viên Giác. Đức quốc). 01 - 101 (106).

Dẫn Nhập. Năm đầu Niên hiệu Trinh Quan (627 - 649), Pháp sư Huyền Trang (600 - 664) theo sắc chỉ của Đường Thái tông (599 - 649; tại vị: 627 - 649) đi Thiên Trúc thỉnh Kinh Phật. Huyền Trang đã từ Ngọc Môn Quan đi về hướng Tây để qua Thiên Trúc. [Theo các Từ điển và Từ điển Lịch Sử thì Huyền Trang sinh năm 602. Ở đây tôi căn cứ Bản "Đại Đường Tây Vực Ký Hiệu Chú" của nhóm Quí Diễn Lâm]. - Vào khoảng đầu năm Giáp Thìn (năm 644) Huyền Trang rời Thiên Trúc về nước, để tới ngày 7 tháng Giêng năm Ất Tỵ (tức 645), nhằm năm thứ 19 Niên hiệu Trinh Quan thì ông về tới Trường An, Kinh đô Đường triều, chở về mấy trăm bộ Phật Kinh. Thời gian ở Thiên Trúc Huyền Trang học Phạn ngữ với Giới Hiền, và ông cũng từng có những cuộc biện luận với tăng chúng Thiên Trúc, tiếng tăm một thời tại nước này. Trên đường đi, đi qua nước nào Huyền Trang cũng ghi lại vài giòng về Lịch sử, Địa lý cũng như thổ sản, phong tục, tập quán của nước đó, và nhất là về tình hình Phật giáo như tình trạng Chùa chiền, Tăng chúng, Tông phái, cũng như một vài nét về tình hình ngoại đạo ở các nước ông đi qua, và ông đã đi qua tất cả 139 nước, lớn nhỏ. Đây là những ghi chép quí giá, 1 sử liệu rất giá trị về tình hình của một số nước ở vùng Trung Á và Ấn Độ thời cổ. Khi về những ghi chép trên đây được sắp xếp lại để thành tác phẩm trứ danh ngày nay chúng ta biết là "Đại Đường Tây Vực Ký". Về nước năm trước thì tới tháng 5 (âm lịch) năm sau (646) Huyền Trang hoàn tất tác phẩm nói trên - được sư Biện Cơ ghi lại theo lời kể của ông. & Năm 2003, Thích Như Điển qua Úc, lưu lại 3 tháng, và ngồi dịch Bộ "Tây Vực Ký" này với sự "trợ dịch", theo như Thích Như Điển ghi trong bản dịch, của 2 tỳ kheo là Thích Đồng Văn, Thích Hạnh Giới. Bản dịch này xuất bản năm 2004.

Nhập. Đại Đường Tây Vực Ký có một bài Đề tựa của Trương Duyệt (667 - 730) đời Đường. Cuối bài Đề tựa ghi: - "Thượng thư Tả Bộc xạ Yên Quốc công vu Chí Ninh chế". Thích Như Điển phiên âm: - "Thượng Thơ Tả Bộc Xạ Yến Quốc Công Trương Thuyết soạn". Chỉ một câu 11 chữ mà Thích Như Điển đã sai tới 2 lỗi về phiên âm Hán Việt: 1). Yến Quốc Công. Phiên âm sai chữ "Yến" (Yên + dấu Sắc). Âm chính xác là "Yên" (không dấu giọng). Chữ "Yến" (= chim én) phải đọc là "Yên" nếu chỉ Địa danh, ở đây tức chỉ nước Yên thời Chiến Quốc (403 - 221 tr. Cn), địa vực cổ hiện nay thuộc huyện Đại Hưng tỉnh Hà Bắc. Do đó, cho đến hiện nay Yên cũng là biệt danh của tỉnh Hà Bắc. Đây là phép gọi là Giả tá trong Lục Thư (6 phép tạo văn tự), tức mượn một chữ nhưng đọc âm khác. Âm đã khác do đó ý nghĩa cũng khác đi. Giả tá còn gọi là Thông tá. 2). Trương Thuyết. Chữ "Thuyết" (= Nói) ở đây phải đọc âm "Duyệt" (= Vui vẻ). Ở đây cũng là trường hợp Giả tá đã nói trên. # Trên đây là điều căn bản. Căn bản mà còn Sai như thế thì những chuyện khác thì sao? Tiếp đây tôi sẽ nói những chuyện khác đó trong bản dịch Việt văn Bộ "Tây Vực Kí" của Thích Như Điển, với sự trợ dịch của 2 tỳ kheo Thích Đồng Văn, Thích Hạnh Giới. - Mỗi đoạn của nguyên tác tôi dẫn dịch văn của Thích Như Điển về đoạn này. - Tiếp đến là phần dịch của tôi để độc giả đối chiếu. - Tiếp đến nữa, trong điều mục có tiêu đề "+ Những cái Sai của Thích Như Điển" tôi sẽ phân tích từng câu trong phần dịch của Thích Như Điển, đối chiếu với nguyên tác, để độc giả có một nhận định thực chính xác về mức độ Sai lầm của Thích Như Điển! Việc sau tuy trùng lập nhưng cần thiết, để độc giả có thể đối chiếu dễ hơn, và rõ hơn!

Bạn đã đọc hết các phần đã được đăng tải.

⏰ Cập nhật Lần cuối: Aug 09, 2010 ⏰

Thêm truyện này vào Thư viện của bạn để nhận thông báo chương mới!

Đại Đường Tây Vực Ký. Phê bình bản dịch của Thích Như ĐiểnNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ