Phân tích đoạn trích Trao Duyên trong tác phẩm Truyện Kiều ♫♪

Bắt đầu từ đầu
                                    

     "Chiếc vành với bức tờ mây,
Duyên này thì giữ vật này của chung."

     Tình cảm dẫu sao vẫn vô hình vô ảnh, nhưng kỉ vật tình yêu hiển hiện ra đó nên khi Thúy Kiều trao "chiếc thoa với bức tờ mây" cho em thì nàng cũng đau đớn đến tột cùng. Mỗi lời của Kiều nặng như chì, nàng trao duyên, trao cả những kỷ vật tình yêu cho em. Đây là giây phút rất khó khăn đói với Kiều vì "trao kỉ vật tình yêu lại cho em" cũng đồng nghĩa với việc nàng phải chấm dứt mối tơ tình này.  
Thúy Kiều "trao duyên" đồng nghĩa coi mình như đã khuất. Nàng dặn em giữ gìn kỉ vật và hãy thương lấy linh hồn vật vờ đau khổ của chị trên cõi đời đen bạc này:

     "Mai sau dù có bao giờ,
Đốt lò hương ấy, so tờ phím này.
     Trông ra ngọn cỏ lá cây,
Thấy hiu hiu gió thì hay chị về.
     Hồn còn mang nặng lời thề,
Nát thân bồ liễu, đền nghì trúc mai."

      Thúy Kiều tưởng tượng nàng chỉ còn là hồn ma còn mang nặng lời thề với Kim Trọng, nên dẫu "thịt nát xương mòn" thì hồn nàng vẫn còn quanh quẩn với "ngọn cỏ lá cây", với "hiu hiu gió..." Tình của người bạc mệnh làm chấn động cả vũ trụ. Tâm trạng của Kiều lúc này rất mâu thuẫn và phức tạp. Thúy Kiều van xin em nhận lời trao duyên nhưng Kiều không thể dứt tình. Kiều còn nhắc nhiều đến cái chết và những hình ảnh ở cõi âm ti. Có lẽ Thúy Kiều đã dự cảm tương lai của chính mình sau này, tràn đầy nỗi bất lực. Đồng thời có thể hiểu rằng chia tay với Kim Trọng, nàng xem mình dường như đã chết về tâm hồn lẫn con tim. Nhưng dù chết, Kiều vẫn mong muốn được trở về với chàng Kim bằng linh hồn bất tử và tha thiết mong nhân được sự đồng cảm từ người yêu. Những mâu thuẫn trong tính cách của Kiều đã cho thấy bản chất thủy chung, son sắt của nàng. Nguyễn Du đã diễn tả thành công sự dằn xé giữa tình cảm lý trí của nhân vật. Đoạn thơ cũng biểu hiện cái nhìn cảm thông, nhân đạo của nhà thơ trước bi kịch của cuộc đời người phụ nữ. Mặt khác, Nguyễn Du đã khám phá được những cung bậc, những chuyển biến tinh vi trong tâm trạng của Thúy Kiều, chứng tỏ nhà thơ là một kì tài trong phân tích tâm lý nhân vật. 


       Đau đớn tột cùng trước sự đổ vỡ của tình yêu, nàng quên rằng trước mặt mình là Thúy Vân mà than khóc với Kim Trọng:

     "Trăm nghìn gửi lạy tình quân,
Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi.
     Phận sao phận bạc như vôi!
Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng."

       Lúc này đây, khi tình yêu đã không thành, tuy không phải do Kiều gây nên nhưng nỗi đau nàng phải trực tiếp gánh chịu. Đau khổ giữa quá khứ ngọt ngào nhưng ngắn ngủi với hiện tại mất mát chia ly và đau thương chồng chất, Kiều đã ý thức rất rõ thân phận của mình. Trước nỗi đau đớn xót xa này, nàng chỉ trách mình là "phận bạc", là "hoa trôi", những hình ảnh đó làm động lòng thương đến hết thảy chúng ta. Khi nói về số phận bạc bẽo, lênh đênh của Thúy Kiều, Nguyễn Du đồng thời lên án xã hội phong kiến bất công, tàn bạo, vùi dập số phận người phụ nữ, đặc biệt là những người phụ nữ tài sắc như Kiều. Đối với Kim Trọng, Thúy Kiều còn mặc cảm tội lỗi vì chính nàng đã "phụ chàng". Kiều đã không đổ lỗi cho hoàn cảnh mà tự nhận hết trách nhiệm về mình, vượt lên trên nỗi đau, một lòng lo nghĩ cho hạnh phúc của Kim Trọng. Vâng, đọc đến đây chắc hẳn ai cũng có thể thấy được Thúy Kiều yêu Kim Trọng hơn cả bản thân mình. Chính tâm lý mặc cảm tội lỗi cao thượng đó đã khiến nàng chết ngất trong tiếng kêu tuyệt vọng thấu trời: 

     "Ôi Kim lang! Hỡi Kim lang!
Thôi thôi! Thiếp đã phụ chàng từ đây!"

       Nguyễn Du đã dùng từ chính xác, khả năng miêu tả nội tâm nhân vật tài tình, lời thơ biến hóa linh hoạt, cũng có thể nói Nguyễn Du đã đạt đến phép biện chứng của tâm hồn. Qua đoạn thơ "trao duyên", chúng ta cũng cảm nhận được Thúy Kiều là một cô gái giàu tình cảm, giàu đức hi sinh, có ý thức về tình yêu và cuộc sống. Một nhân cách cao quý như vậy mà vừa chớm bước vào đời như một bông hoa mới nở đã bị sóng gió vùi dập tan tác. Nếu trong tình cảm tai biến của gia đình , Kiều đã quyết định bán mình để chuộc cha, đem lại sự yên ổn cho gia đình là một sự hy sinh với tấm lòng hiếu thảo thì nỗi đau khổ, sự ái ngại vì lời hẹn ước không tròn với Kim Trọng và trao duyên cho em là một biểu hiện của lòng vị tha, sự hy sinh đáng trân trọng, là tấm lòng chung thuỷ sắt son hiếm có trước sự bất lực của hoàn cảnh. Nguyễn Du đã thấu hiểu và thông cảm trước nỗi đau của Thúy Kiều và những người phụ nữ trong xã hội phong kiến nói chung. Đồng thời phê phán, tố cáo xã hội phong kiến đã cướp đi quyền sống, quyền được yêu và hạnh phúc của người phụ nữ.

 * Lời riêng: Bài văn trên sử dụng một số tài liệu trên mạng, kết hợp nhiều văn mẫu với nhau nhưng vẫn còn thiếu rất nhiều ý, đặc biệt là phần nghệ thuật, không qua nổi 8 điểm. Bởi vì nếu bài văn quá hoàn hảo nó sẽ không còn là của mình nữa, thầy Ngữ Văn sẽ cho mình Zero mất haha. Khác với văn mẫu trên mạng khác, mình viết cho bản thân, vì vậy mình đã trau chuốt rất nhiều vào lời văn và nội dung câu chuyện với hy vọng mọi người đọc sẽ có cảm hứng hơn, dễ nhớ bài hơn. Bài văn chỉ có tính chất tham khảo, nếu bạn nào muốn copy thì chú ý sửa lại lời văn và thêm nghệ thuật của chính các bạn vào nhé!  Chúc mọi người đạt được điểm cao trong kỳ kiểm tra! 

Phân tích đoạn trích Trao Duyên trong tác phẩm Truyện Kiều ♫♪Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ