2 - BÚN ĐẬU MẮM TÔM

8 1 0
                                    

Tôi có đứa bạn thân, nhà nó ngày trước có thời gian bán bún đậu. Mà nhớ lại thì bún đậu hình như là cái món nhà nào cứ có tí mặt tiền cũng từng bán.

Ngày đó chưa thịnh món bún đậu mẹt điều hoà như bây giờ, các quán bún đậu chỉ đơn thuần là mặt trước nhà dân chừng hai, ba mét. Một cái bếp than tổ ong hồng rực lửa với cái chảo con con rán đậu. Rổ nhựa lót lá chuối đựng bún được đậy kĩ. Thêm vài chai lọ mắm đường lỉnh kỉnh. Đặt vào đó chiếc bàn với vài cái ghế nhựa nữa là thành quán bún đậu. Giống như bao hàng quán kinh doanh tự phát vẫn mọc lên nhan nhản mỗi ngày.

Món bún đậu ngày ấy cũng đơn giản. Chỉ một đĩa bún nắm, vài miếng đậu vừa rán vàng ươm nóng hổi cắt nhỏ và một rổ rau sống con con, cái rổ nhựa hình vuông chỉ bằng bàn tay mà hầu như hàng ăn nào cũng dùng. Cuối cùng là bát mắm tôm đặc sánh, thơm nồng đi kèm một quả quất tươi.

Ngồi xuống ghế, dùng tay nhón ngay một miếng đậu rán vừa cắt vẫn còn đang bốc khói nghi ngút. Xuýt xoa cái nước đậu nóng hôi hổi tứa ra muốn bỏng cả vòm miệng. Nhai lấy nhai để cái vỏ giòn giòn riu riu, cái ruột mềm mượt bùi béo. Cái miếng đậu ăn vã đầu tiên ấy lúc nào cũng ngon nhất.

Đậu phụ ở Việt Nam, có ăn mới biết khác biệt rất nhiều với đậu phụ của người Hoa. Không mướt mượt như thứ đậu phụ lụa ăn rất giống tào phớ đông đặc, nhưng lại mềm mịn hơn, nhất là bùi hơn rất nhiều so với đậu phụ rán của họ. Tôi chẳng phải chuyên gia về đậu để biết người ta chế biến kiểu gì, bí quyết thế nào, chỉ biết phải đúng có thứ đậu ấy mới làm nên món bún đậu.

Người ta thường đi ăn bún đậu vào mùa hè. Có lẽ vì nó là món bún không nước, là một trong vài thứ bún hiếm hoi có thể đi ăn trong cái nắng hầm hập bốn mươi độ của Hà Nội, ngồi trong cái mặt tiền bê tông tí tẹo bí hơi được che chắn sơ sài bằng phông bạt và tán cây chua me đất lẳng khẳng trước hiên.

Vắt miếng quất tươi vào bát mắm tôm nâu tím sóng sánh, gia thêm tí đường cho bớt vị gắt, rồi nhanh tay đánh đều cho sủi bọt, cảm giác cũng đánh tan luôn được cái oi bức của mùa hè. Chấm một miếng bún một miếng đậu bỏ vào miệng, rồi nhẩn nha nhặt từng lá kinh giới, tía tô mà nhai cùng, thấy vị rau ngát đằm hoà quyện với vị nồng đượm của mắm tôm, cái dẻo dẻo của bún trắng trái ngược với cái giòn béo của đậu phụ, cứ thế mà tạm quên luôn cái nóng bức ngột ngạt trong bốn bức tường bê tông, cạnh lò bếp than hừng hực lửa.

Ngày bé, không biết ăn mắm tôm, tôi còn hay ăn bún đậu với nước mắm đường. Chỉ nghe thôi rất nhiều tín đồ ruột của bún đậu sẽ nhăn mặt lắc đầu. Tôi của bây giờ có lẽ cũng sẽ ỏng eo chê tôi của ngày bé như thế.

Kể ra thì tôi cũng chẳng hiểu tại sao hồi bé mình không ăn mắm tôm. Có lẽ vì ngay từ lần đầu tiên đi ăn với mẹ, mẹ vẫn luôn gọi riêng cho tôi một bát nước mắm nêm rất nhiều đường. Tôi cứ nghiễm nhiên ăn như thế, không bao giờ tự hỏi vì sao mình không ăn giống với bao nhiêu người còn lại trong quán, cũng chẳng bao giờ tò mò cái thứ nước chấm sóng sánh sủi bọt mà chỉ 'người lớn' mới được ăn kia là thứ gì. Cho tới mãi sau này lên cấp Hai, một lần đi ăn với đứa bạn, sĩ diện khiến tôi hùng hổ từ chối ăn nước mắm. Và cũng từ đó tôi nhận ra lí do vì sao bún đậu và mắm tôm cứ phải luôn đi thành một cặp.

Nghĩ lại thì hình như hồi nhỏ, có rất nhiều thứ tôi không ăn không phải vì tôi không thích ăn, mà vì người lớn mặc định là 'trẻ con' thì không biết ăn. Như hành, tỏi, ớt. Những thứ ấy, sau này có dịp tự thử, tôi đều thích cả. Cũng có thể là kẻ ăn tạp quá chăng?

Bây giờ, có dịp về Hà Nội, tôi vẫn thỉnh thoảng đi ăn bún đậu. Bún đậu giờ bán trong mẹt, ăn kèm với nào chả nào thịt nào lòng non, có nơi có cả nem rán. Hàng quán có điều hoà, sạch sẽ hiện đại hơn rất nhiều ngày xưa. Âu cũng là thay đổi theo đúng thời đại.

Còn người mà không đổi vẫn có thể ngồi xuống, bốc ngay một miếng đậu rán nóng hổi cho vào miệng nhai lấy nhai để mà xuýt xoa, rồi mới chậm rãi khuấy bát mắm tôm, nhặt rau sống, và nhẩn nha nói chuyện về cái quán bún đậu mắm tôm gần nhà của ngày xưa cũ.

HÀ NỘI - ĂN VÀ NHỚWhere stories live. Discover now