XU THẾ MỚI - TỰ XUẤT BẢN (1)

497 59 1
                                    

XU THẾ MỚI – TỰ XUẤT BẢN (1)

Thông thường để xuất bản một quyển sách, bạn cần phải liên hệ gửi bản thảo cho một nhà xuất bản hoặc nhà phát hành sách nào đó mà bạn tin tưởng, rồi tiếp tục tháng ngày chờ đợi kiểm duyệt. Sau khi lọt qua được vòng kiểm duyệt của các biên tập viên và ký hợp đồng xuất bản, bạn sẽ lại tiếp tục chuỗi ngày dài mong chờ bản hiệu đính, minh họa bìa, bản in thử sau khi xin được giấy phép xuất bản. Và phải mất hai đến ba tháng sau đó, cuốn sách của bạn mới xuất hiện trên những tấm kệ ngoài nhà sách và tiếp cận được với độc giả. Quy trình này còn được gọi là hình thức xuất bản truyền thống, nó đã được sử dụng qua nhiều năm cho đến hiện nay ở khắp nơi trên thế giới. Nhìn vào quá trình, chúng ta cũng có thể thấy được một câu chuyện muốn được tiếp cận tới độc giả và tạo ra được lợi nhuận phải trải qua nhiều khâu kiểm duyệt chất lượng và hình thức, vì thế cũng gây ra nhiều sự chán nản đến với tác giả.

Tuy nhiên trong thời đại hiện tại, tác giả đã có sự hỗ trợ từ internet – mạng toàn cầu để đưa câu chuyện của mình tiếp cận với nhiều độc giả hơn. Từ đó hình thành nhiều phương thức xuất bản nhanh chóng hơn, mang lại lợi nhuận trực tiếp hơn và rút gọn thời gian chờ đợi hơn cho tác giả. Hình thức tự xuất bản này bắt đầu với ba trạng thái: tự xuất bản sách offline (sách giấy), tự xuất bản sách online (ebook) và xuất bản bằng vốn cộng đồng.  Dưới đây là bài phân tích các hình thức xuất bản với quan điểm và cái nhìn cá nhân, việc phân tích ưu – nhược điểm có thể chưa được tỉ mỉ và tổng quan cho lắm.

ƯU ĐIỂM – NHƯỢC ĐIỂM

Đối với mình mà nói, thị trường xuất bản sách hiện tại đang chia ra làm ba loại: Loại thứ nhất là Xuất bản sách giấy truyền thống; loại thứ hai là Tự xuất bản sách giấy và cuối cùng là Xuất bản online. Những phương thức này có những ưu nhược điểm riêng tùy theo mục đích của tác giả muốn hướng đến.

A) Xuất bản truyền thống

Như mình đã nói ở đầu bài, xuất bản truyền thống là việc tác giả xuất bản thông qua các NPH sách hoặc NXB như Nhã Nam hay Trẻ…quy trình của một cuốn sách được xuất bản theo phương thức truyền thống thường yêu cầu thời gian từ ba đến sáu tháng.

Ưu điểm: Tác giả hầu như không phải chịu rủi ro doanh thu, do trong hợp đồng ký kết đã nêu rõ phần lợi nhuận mà tác giả được hưởng là 10% x (Số lượng bản in) x Giá bìa.

Trong trường hợp này, tác giả cũng không cần phải lo lắng về việc phân phối sách, do NPH và NXB đã có sẵn hệ thống phân phối riêng trên toàn quốc. Điều duy nhất tác giả phải chịu trách nhiệm là chất lượng nội dung cuốn sách của mình, đồng thời nếu ký kết với NPH hoặc NXB sách, tùy theo từng đơn vị mà tác giả sẽ nhận được mức lợi nhuận từ việc tái bản, phóng tác, thực hiện tác phẩm phái sinh cùng các ấn phẩm liên quan tới tác phẩm; mức lợi nhuận này thường rơi vào khoảng tầm 7 – 8%.

Với hình thức này, tác giả còn có thể đặt tiền đề cho sự nghiệp của mình nếu “debut” thành công (và tốt nhất là khẳng định vị thế của mình thông qua những NPH hoặc NXB uy tín như Nhã Nam, Alphabooks, Trẻ, Kim Đồng…) do khi đã có được tác phẩm xuất bản đầu tiên, thì các bản thảo kế tiếp của cùng người viết sẽ được BTV chú ý và ưu tiên xét duyệt hơn so với các tác giả mới.

Nhược điểm: Tùy theo đơn vị xuất bản mà thời gian duyệt bản thảo sẽ dài hay ngắn, thông thường một bản thảo truyện vừa (tầm 50 đến 70 ngàn từ) sẽ được duyệt trong vòng 45 ngày kể từ khi có thông báo đã tiếp nhận bản thảo. Tuy nhiên ở một số đơn vị như NXB Trẻ thì con số này dao động tới 90 – 120 ngày hoặc gần 365 ngày…vẫn chưa có kết quả. Bản thảo đã được duyệt sẽ bắt đầu vào giai đoạn biên tập, từ lúc này biên tập viên tiếp nhận bản thảo sẽ làm việc trực tiếp với tác giả và thời gian chỉnh sửa – biên tập thường rơi vào tầm một đến hai tháng làm việc.

Ngoài thời gian chờ đợi và chỉnh sửa, biên tập thì một nhược điểm của hình thức xuất bản truyền thống là rất dễ bị hội đồng kiểm định nội dung trên Bộ yêu cầu chỉnh sửa nội dung truyện trong trường hợp phát hiện các tình tiết có liên quan tới tôn giáo, chính trị, phân biệt chủng tộc, bạo lực, các vấn đề đồi trụy hoặc liên quan tới thuần phong mỹ tục…Quy chuẩn kiểm duyệt của các cụ bên trên vẫn còn nằm trong vòng bí ẩn của nhân loại vì thế đến hiện nay, các tác giả xuất bản với những thể loại đặc thù hoặc có nội dung “đụng chạm” vẫn luôn thon thót lo sợ từng ngày cho đến khi được cấp phép xuất bản. Đồng thời, việc kiểm duyệt như thế này vô hình trung làm gò bó và thu hẹp các thể loại tác phẩm và nội dung truyện trên thị trường xuất bản, khiến truyện Việt đã ít chất lượng nay lại càng ít hơn và gây khó khăn hơn cho nhiều tác giả.

Bên cạnh đó, trong hình thức xuất bản truyền thống, hầu hết các trường hợp tranh chấp có xảy ra tác giả đều rơi vào tình thế “nắm đằng lưỡi” và chịu o ép khá nhiều từ phía NPH hoặc NXB sách thiếu tâm. Đã có nhiều trường hợp tác giả và NPH sách tranh chấp về thời gian xuất bản ra thị trường và cuối cùng sau khi thanh lý, chỉ có phía tác giả phải chịu thiệt hại về thời gian chờ đợi và ảnh hưởng đến công việc khá nhiều.

(Còn tiếp)

QUAN ĐIỂM VIẾT 2013-2017Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ