Phân tícj Tình huống truyện trong truyện ngắn Vợ nhặt Kim Lân

8.9K 28 3
                                    

Hãy phân tích tình huống truyện ngắn "Vợ nhặt" của Kim Lân.
Dàn ý chi tiết và bài làm:
1. Mở bài:
- Giới thiệu Kim Lân
- Giới thiệu truyện ngắn "Vợ nhặt"
- Định hướng vào yêu cầu đề thi
(chú ý: hai ý đầu của mở bài dưới đây, có thể dùng trong tất cả các đề phân tích của truyện ngắn Vợ nhặt)
Nhà văn Nguyễn Khải đã từng nhận xét: "Là học trò của cụ Nguyễn Tuân, tôi vẫn không tin Nguyễn Tuân viết 'Chữ người tử tù' cũng như Kim Lân viết 'Làng' và 'Vợ nhặt'. Đó không phải là người viết mà là thần viết, thần mượn tay người viết nên những trang bất hủ". Chỉ xét trong truyện ngắn "Vợ nhặt" Kim Lân cũng xứng đáng với lời ca ngợi của Nguyễn Khải. "Vợ nhặt" được viết ngay sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công với tiền thân là tiểu thuyết "Xóm ngụ cư" nhưng bị dang dở do mất bản thảo. Mãi đến khi hòa bình lặp lại Kim Lân mới có điều kiện quay trở lại cốt truyện ban đầu. Nhưng ông chỉ dựa vào một phần cốt truyện cũ để viết nên truyện ngắn "Vợ nhật", tác phẩm in trong tập "Con chó xấu xí"(1962). Có thể nói ở thiên truyện ngắn sáng giá này, Kim Lân đã sáng tác được một tình huống truyện độc đáo, hấp dẫn, đó là nhân vật Tràng trong tác phẩm nhặt được vợ.
vo-nhat-kim-lan
2. Thân bài:
a. Giải thích khái niệm tình huống truyện
Những người cầm bút quan niệm rằng tình huống truyện là hạt nhân của thể loại truyện ngắn. Nó là lát cắt của đời sống nhưng nhìn vào lát cắt ấy, người ta hình dung được diện mạo của đời sống, cả xã hội, con người. Hay nói một cách khác, tình huống truyện là sự kiện đặc biệt, là hoàn cảnh có vấn đề mà ở đó tính cách nhân vật, tư tưởng nhà văn được bộc lộ rõ nét. Còn nói như giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh, tình huống truyện giống như một thứ nước rửa ánh là nổi hình, nổi sắc nhân vật.
b. Biểu hiện của tình huống truyện
* Nhan đề
Biểu hiện của tình huống truyện ngay ở nhan đề tác phẩm. "Vợ nhặt" là một nhan đề tạo ra những ấn tượng sâu sắc, kích thích sự tò mò, chú ý của người đọc, hé mở tình huống truyện đặc sắc của tác phẩm. Bởi "vợ" là một phần quan trọng trong sự nghiệp của người đàn ông. Ca dao xưa có câu:
"Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà
Trong ba việc ấy thật là khó thay"
Lấy vợ là một trong những việc lớn của người đàn ông, được thực hiện bằng những nghi thức truyền thống trang trọng của người Việt: rạm, hỏi, cưới xin. Còn "nhặt" gợi ra sự tầm thường, rẻ rúng. Vậy mà Kim Lân lại sử dụng "nhặt" làm định ngữ cho từ "vợ". Như vậy nhan đề truyện đã góp phần thể hiện giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo sâu sắc của tác phẩm, cũng như hướng người đọc đến một tình huống hết sức bất ngờ, độc đáo.
* Tình huống trong truyện ngắn
Sự chớ trêu đặt ra trong hoàn cảnh nhặt được vợ
Ý: -"Cái đói tràn đến xóm này từ lúc nào"
- Hai lần so sánh người với ma:
- Người chết như ngả dạ,..
- Tiếng quạ đưa tiễn buổi hoàng hôn của đời vào đêm tối của địa ngục
=> Cứu đói là việc đầu tiên nghĩ tới, hạnh phúc là một điều xa xỉ, vậy mà Tràng lại lấy vợ lúc này, quả là một tình huống lạ và độc đáo
Lời văn:
Tình huống truyện ngắn đã được tạo dựng trên cơ sở những mâu thuẫn chớ trêu được đẩy đến tận cùng của giới hạn. Sự chớ trêu đầu tiên đặt ra trong hoàn cảnh nhặt vợ của Tràng. Hôn nhân là biểu tượng của cuộc sống gia đình, của sự sinh con đẻ cái, của sự sống tiếp nối sự sống. Vậy mà việc nhặt vợ của Tràng lại diễn ra vào thời điểm khủng khiếp nhất của nạn đói năm Ất Dậu 1945. Điều này được nhà văn thể hiện rõ trong tác phẩm. "Cái đói đã tràn đến xóm này tự lúc nào", với động từ "tràn" nhà văn đem đến cho ta một hình dung: Nạn đói giống như một cơn đại hồng thủy có sức tàn phá dữ dội. Ngòi bút sắc sảo của Kim Lân thấm đẫm chất hiện thực đã miêu tả rất sinh động sự tàn phá của cái đói: hình ảnh người sống "lũ lượt bồng bế, dắt díu nhau lên xanh xám như những bóng ma", hay "dưới những gốc đa, gốc gạo xù xì bóng những người đói dật dờ đi lại lặng lẽ như những bóng ma". Không phải ngẫu nhiên mà đến hai lần nhà văn so sánh người với ma. Nghệ thuật đầy ẩn ý muốn diễn tả đó là lúc cõi âm tràn vào cõi dương, trần gian mấp mé miệng vực âm phủ. Ranh giới giữa âm dương mong manh như sợi tóc. Đời không khác gì bãi tha ma khổng lồ với những hình ảnh "người chết như ngả dạ". Không sáng nào người đi làm đồng không gặp ba, bốn cái thây nằm còng queo bên vệ đường bãi chợ. Thêm vào đó là đám quạ từ đâu bay về, đậu kín ở cây gạo, bãi chợ đang gào lên những tiếng thê thiết như đưa tiến buổi hoàng hôn của đời vào đêm tối của địa ngục.
Trong hoàn cảnh ấy người ta chỉ nghĩ tới việc cứu đói là cấp bách, còn hạnh phúc là một thứ xa xỉ. Vậy mà Tràng lại lấy vợ lúc này. Hoàn cảnh đó làm nổi bật tình huống truyện lạ và độc đáo của câu chuyện.
* Sự chớ trêu xuất hiện ở chủ thể hành động nhặt vợ
Ý: - Xuất thân: ngụ cư, nếp vế trong cộng đồng (ca dao)
- Ngoại hình: bức chân dung vẽ vội
- Gia cảnh: Nghèo khó, nghèo đến tận cùng, ngôi nhà rúm ró, chiếc áo nâu tàng
- Tính cách: dở tính, nghề kéo xe bò, tên Tràng - dụng cụ nghề mộc.
=> Với những thua thiệt như vậy, Tràng khó lấy được vợ. Vậy mà Tràng lại nhặt được vợ, quả là một tình huống lạ đời.
Lời văn:
Sự chớ trêu thứ hai là ở chủ thể của hành động nhặt vợ-Tràng. Việc trai lớn lấy vợ, gái lớn gả chồng là quy luật của con người nhưng xét trong hoàn cảnh riêng của Tràng thì điều này lại tạo nên một yếu tố bất ngờ và độc đáo. Bởi xuất thân của Tràng là dân ngụ cư ở một xóm chợ nghèo, địa vị thấp kém, nép vế trong cộng đồng làng xã, nguồn gốc xuất thân ấy khiến cho người ta xót xa cho thân phận của anh. Câu ca dao xưa vẫn còn đó:
"Trai làng ở góa còn đông
Cớ sao em lại lấy chồng ngụ cư"
Thật lạ lùng, người đàn ông nhặt được vợ ấy lại là một gã trai nghèo khổ, cái nghèo khổ đến tột cùng. Cái nghèo ấy hiện hữu trong "chiếc áo nâu tàng", cái nhà Tràng thì "vắng teo đứng rúm ró trên mảnh vườn mọc lổm nhổm những búi cỏ dại", và Tràng chỉ là người kéo xe bò thuê. Ngòi bút của Kim Lân đã vô cùng sống động khi khắc họa bức chân dung của Tràng: " hai con mắt nhỏ tí, gà gà đắm vào bóng chiều, hai bên quai hàm bạch ra", bộ mặt thô kệch, thân hình to lớn, vạp vạm, cái đầu thì trọc lốc ... Dưới ngòi bút của Kim Lân Tràng hiện lên như một bức chân dung vẽ vội, một hình hài mà tạo hóa đẽo gọt, quá ư sơ sài, cẩu thả. Không chỉ xấu xí, nghèo khổ, ở tầng lớp cùng đinh mà Tràng còn là người dở tính, "hắn có tật vừa đi vừa nói", "hắn lảm nhảm than thở những điều hắn nghĩ" thỉnh thoảng còn ngẩng mặt lên trời cười hềnh hệch. Có thể nói, với những nét khắc họa ấy, ở Tràng hội tụ đủ bốn yếu tố rất ít có khả năng lấy được vợ. Thậm chí, với những thua thiệt của chính mình, Tràng cũng không dám nghĩ đến chuyện lấy vợ. Vậy mà Tràng lại nhặt được vợ một cách dễ dàng. Quả là một tình huống truyện lạ, độc đáo, bất ngờ.
* Tâm lý thái độ của các nhân vật và chủ thể nhặt được vợ
Ý:- Tâm lý của người dân xóm ngụ cư: ngạc nhiên, lo âu
- Bà cụ Tứ: trải qua những cung bậc tâm lý phức tạp
- Tràng: ngờ ngợ, bàng hoàng, chuyện thật mà như đùa
=> Góp phần làm nổi bật tình huống éo le, chớ trêu của câu chuyện, đùa mà lại thật.
Lời văn:
Tình huống éo le, chớ trêu ấy đã gây ngạc nhiên cho tất cả mọ người. Người dân xóm ngụ cư thấy Tràng đưa người vợ nhặt về với cái dáng thèn thẹn hay đáo để, họ tò mò kéo nhau ra xem rồi xì xào bàn tán, thắc mắc: "Ai đấy nhỉ?..Hay là người dưới quê bà cụ Tứ mới lên?...Chả phải...Quái nhỉ?" Cứ theo cái lai lịch ấy mà suy ra thì Tràng chưa thể có vợ mà họ cũng không tin là Tràng có vợ. Bởi vì giữa lúc đói khát này, giữa sự vây bủa của cái chết có ai dám nghĩ đến hạnh phúc xa vời. Và khi nghĩ đó là vợ của Tràng thì họ không nên được tiếng than "Ôi chao! Giời đất này còn rước cái của nợ đời về..." Tâm lý, thái độ của người dân xóm ngụ cư đã góp phần làm nổi bật tình huống éo le của câu chuyện, hạnh phúc mà lại trở thành một mối lo.
Đến lượt bà cụ Tứ - mẹ Tràng, trước tình huống con trai nhặt được vợ, tâm lý của bà hết sức phức tạp. Ban đầu thì ngạc nhiên, khi hiểu ra thì chìm vào nỗi lo vô tận, rồi lại dưng dưng, mừng tủi, hy vọng. Ta thấy Kim Lân là một cây bút tài năng và sáng tạo, ông đã mô tả tâm lý người mẹ sâu sắc trước tình huống nhặt được vợ của con, góp phần làm sáng tỏ tình huống éo le của câu chuyện. Và ngay cả Tràng - chủ thể của hành động nhặt được vợ cũng ngờ ngợ, bàng hoàng, như đang trong một giấc mơ và không tin là mình đã có vợ.
* Đánh giá, tính chất tình huống truyện.
Ý: - Tình huống truyện đùa hóa thật, thật hóa đùa
- Đám cưới đi giữa đám ma, sự sống trên nền cái chết
- Phông nền của đám cưới là màu xám xịt của cái chết.Âm nhạc trong đám cưới là tiếng quạ.
- Sự giao tranh giữa bóng tối và ánh sáng, sự thắng thế của ánh sáng.
Lời văn:
Từ tình huống truyện ngắn "Vợ nhặt", ta có thể rút ra những đánh giá nghệ thuật mới lạ. Đây là một tình huống truyện đùa hóa thật, thật như đùa. Đùa hóa thật bởi một chỉ câu nói vu vơ ngoài chợ mà anh chàng nghèo hèn xấu xí ngụ cư lại bỗng dưng có vợ. Thật như đùa bởi hôn nhân là chuyện hệ trọng của đời người vậy mà lại nhặt được một cách dễ dàng. Té ra, giữa những ngày đói, cái thiêng liêng lại trở thành có rẻ rúng tầm thường.
Tình huống của "Vợ nhặt" còn là tình huống đám cưới đi giữa đám ma, sự sống lồng vào cái chết. Trong truyện "Một đám cưới" Nam Cao đã nhìn đám cưới như một đám ma, còn ở đây, Kim Lân đã phát hiện ra giữa những đám ma là một đám cưới. Nhưng đám cưới ngày đói tránh sao khỏi sự méo mó, bi hài. Tràng dắt người vợ nhặt về trong cảnh người chết như ngả dạ, tiếng quạ gào thê thiết, đêm tân hôn diễn ra trong tiếng khóc hở tỉ tê người chết, hay bữa ăn ngày cưới là một cái mẹt rách với một luồng rau chuối thái dối, ăn với muối và nồi cháo cám.
Đây còn là một tình huống có sự giao tranh giữa bóng tối và ánh sáng. Mở đầu tác phẩm là bóng tối chìm ngập, còn kết thúc tác phẩm lại là hình ảnh mặt trời lên bằng con sào. Đó cũng là ánh sáng niềm vui, niềm hy vọng vào sự thay đổi sáng sủa hơn trong cuộc đời của những con người nghèo khổ. Đặc biệt, hình ảnh lá cờ đỏ bay phấp phới trong tâm trí Tràng ở cuối truyện đã khẳng định chắc chắn hơn niềm tin vào sức mạnh ấy. Đó là tín hiệu của sự đổi đời.
* Giá trị tư tưởng (ý nghĩa) của tình huống tuyện "Vợ nhặt".
- Nghệ thuật
Nhà văn Kim Lân đã sáng tạo được một tình huống truyện độc đáo, hấp dẫn, đưa người đọc đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác: Bắt đầu có cảm giác của hài kịch, thoắt cái người đọc đã cảm nhận vị đắng chát của bi kịch khi xuất hiện những hình ảnh chết chóc trong năm đói, nhưng rồi lại thấp thoáng, hé mở sự lạc quan khi kết thúc tác phẩm là mặt trời trang hoàng, là ánh sáng của lá cờ đỏ sao vào.
- Nội dung, tư tưởng
Tình huống truyện ngắn "Vợ nhặt" mang ý nghĩa hiện thực và nhân đạo sâu sắc. Tình huống kì lạ, độc dáo của tác phẩm đã giúp nhà văn phản ánh chân thực bức tranh làng quê Việt Nam trong nạn đói 1945. Với hình ảnh bóng tối lạnh lẽo của đám người dắt díu nhau, xanh xám như những bóng ma, của những âm thanh quạ kêu, người dàn bà vứt bỏ phép tắc, sỹ diện bấu víu vào câu đùa để kiếm miếng ăn thân phận như cọng rơm, cọng cỏ. Đồng thời qua tình huống vợ nhặt, Kim Lân gián tiếp tố cáo xã hội thực dân phong kiến đặc biệt là bọn phát xít Nhật, chính chúng đã gây ra nạn đói khủng khiếp đó.
Nhưng cũng qua tình huống này, Kim Lân bộc lộ những thấu hiểu, sẻ chia đặc biệt ngợi ca trân trọng những người lao động Việt Nam. Những con người sống trong cái đói nhưng không nghĩ đến cái chết mà vẫn khát khao hạnh phúc gia đình. Việc Tràng bỏ hai hào để mua dầu thắp và thái độ đồng tình của bà cụ Tứ "ừ thắp lên một tí cho sáng sủa" cho thấy trong lòng những con người sống trên miệng vực của chết chóc vẫn ấp ủ một niềm tin mong manh mãnh liệt về một ngày mai tươi sáng.
3. Kết bài
Tạo dựng một tình huống đặc sắc bởi sự tập trung cao độ những yếu tố tương phản, những éo le, chớ trêu khi con người bị đẩy đến tận cùng giới hạn, Kim Lan đã bộc lộ nỗi xót thương cho số phận con người, cũng đồng thời là lời tố cáo đầy căm phẫn với bọn thực dân Pháp và phát xít Nhật. Tuy nhiên, cốt lõi sâu sắc duy nhất trong tư tưởng nhân đạo của truyện ngắn này không phải là ở sự căm phẫn hay xót thương mà nhà văn đã đem đến cho người đọc một niềm tin mãnh liệt: Những người dân lao động ở nước ta, dù trong tình cảnh bi thảm đến đâu, họ cũng là những con người giàu lòng yêu thương, khát khao cảm giác gia đình và hướng tới tương lai tươi sáng. Người ta gọi "Vợ nhặt" là bài ca khát vọng sống là vì vậy.

🎉 Bạn đã đọc xong Phân tích tình huống truyện trong Vợ nhặt của Kim Lân 🎉
Phân tích tình huống truyện trong Vợ nhặt của Kim LânNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ