THỂ LOẠI VĂN HỌC

Bắt đầu từ đầu
                                    

Tóm lại, nói đến thể loại văn học là nói đến các kiểu phản ánh hiện thực, các kiểu tổ chức tác phẩm, các kiểu giao tiếp nghệ thuật.

1.2. Tính chất của thể loại

* Thể loại có tính chất truyền thống, tương đối ổn định, ít phát triển: Nhiều nhà lý luận văn học đã từng khẳng định bản chất siêu cá tính của thể loại. Quả vậy thể loại tựa như mang tính chất bảo thủ, không chấp nhận sự cách tân, đổi mới độc đáo của người sáng tác. Điều này có căn nguyên của nó. Thể loại là sản phẩm được hình thành qua quá trình lịch sử lâu dài, nó được khái quát và cô đúc lại để tồn tại trong những hình thức ổn định bền vững, ít thay đổi. Không có một thể loại nào có cuộc hành trình số phận trong vài ba năm. Mỗi thể loại khi đã định hình trong hệ thống thể loại phổ quát ít ra cũng đã có tuổi đời vài thế kỷ, thậm chí không ai tính được tuổi đời của nó là mấy vạn năm hay mấy triệu năm? (Chẳng hạn lục bát của ta). Các thế hệ nhà văn khi cầm bút sáng tác đều phải tuân theo những chuẩn mực đã định sẵn từ bao đời của cổ nhân mà viết trên tinh thần kế thừa và sáng tạo. Với các thể loại cách luật có giá trị như những "khuôn vàng thước ngọc" thì ở đó người sáng tác phải nương theo những quy cách truyền thống của thể loại như một giá trị mẫu mức, bất biến. Viện sĩ hàn lâm Xô Viết Bakhtin khẳng định: "Xét về thực chất, thể loại văn học phản ánh những khuynh hướng lâu dài và hết sức bền vững trong sự phát triển văn học. Ở thể loại bao giờ cũng bảo lưu những yếu tố cổ xưa, bất tử"(1). Trong thực tế chẳng có thể loại văn học nào được vận dụng sáng tạo theo ngẫu hứng tuỳ tiện của các cá nhân. Trong văn học trung đại, sự phá cách thể loại thái quá thường dễ bị phủ nhận và lên án. Tính ổn định của thể loại phản ánh phương diện hữu hạn, trung lập với mọi sự cách tân độc đáo, không lặp lại. Chẳng hạn các thể thơ Đường luật từ bao đời nay vẫn cơ bản giữ nguyên các hình thái niêm luật, cấu trúc hình thức vốn có của nó; tiểu thuyết phương Đông hay phương Tây thường có dung lượng lớn, gắn bó với tính chất tự sự...; Phóng sự ghi chép các biến cố sự kiện giầu tính thời sự cập nhật và chân xác... Hệ thống thể loại cần có sự ổn định nhất định, nếu không sẽ sinh ra "loạn chuẩn" cho quá trình sáng tác và tiếp nhận văn học, đời sống văn học sẽ mất đi trạng thái tồn tại cân bằng cần thiết.

* Mặt khác, do quy luật không ngừng đổi mới và sáng tạo của văn học, thể loại văn học cũng luôn luôn phát sinh, đổi mới để thích ứng với nội dung hiện thực cuộc sống. Trước sự đổi thay mạnh mẽ của hiện thực cuộc sống, những thể loại không có khả năng thích ứng được với môi sinh văn hoá mới sẽ bị triệt tiêu để nhường chỗ cho sự ra đời của các thể loại văn học mới có ưu thế hơn. Sự cáo chung của các thể thơ văn một thời thịnh vượng trong nền văn học trung đại như: cáo, chiếu, biểu, phú... và sự ra đời của các thể loại tân thời hồi đầu thế kỷ trước như: tiểu thuyết tâm lý, kịch nói, phóng sự, thơ tự do, phê bình văn học... là những minh chứng tiêu biểu cho tính chất cách tân, đổi mới của văn học.

Cần lưu ý rằng: sự cách tân đổi mới của thể loại không diễn ra trong sự đoạn tuyệt hoàn toàn với truyền thống vốn có của nó nghĩa là không có sự đổi mới toàn diện cấu trúc hình thức thể loại theo lối phủ nhận sạch trơn cấu trúc truyền thống của thể loại. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã có những cách tân mới mẻ về nhịp phách thể loại lục bát, song lục bát trong Truyện Kiều hay lục bát biến thể sau này vẫn kế thừa, bảo lưu những nét đẹp óng ả, dịu dàng, uyển chuyển của lục bát cổ xưa. Tiểu thuyết, truyện ngắn, phóng sự, tuỳ bút... trong văn học đổi mới sau 1986 có những đột phá lớn về sự cách tân hình thức thể hiện song không làm mất đi những thuộc tính cố hữu của các thể loại này trong truyền thống. Ngay cả một số thể loại cổ xưa như thần thoại, sử thi, truyền thuyết... đã "một đi không trở lại" về hình thức thể hiện dưới dạng nguyên thuỷ của nó, song những dấu ấn đặc trưng về hình thức của chúng đây đó vẫn còn được "tạo dáng" lại trong hình thức tác phẩm của nhiều thể loại văn học hiện đại như: tiểu thuyết, trường ca, truyện ngắn, truyện vừa... Như vậy thể loại không mất đi trước sự biến thiên của lịch sử mà chúng chuyển hoá phẩm chất của mình để ký sinh vào các thể loại khác. Trong lịch sử văn học nhân loại, những nghệ sĩ lớn thường tiếp thu tinh hoa của các thể loại khác nhau (cả trong đồng đại và lịch đại) để hợp sinh phẩm chất của nhiều thể loại trong cùng một tác phẩm văn học. Tính chất đa thanh phức điệu trong tiểu thuyết của L.Tônxtôi; tính chất hiện thực huyền ảo của tiểu thuyết Ban Giắc, Huêmingway, Máckét... là những biểu hiện tích cực của sự cách tân đổi mới văn học bằng con đường kế thừa sức mạnh của các thể loại văn học liên đới trong cùng một tác phẩm. Môi trường sinh thái văn hoá mới ở Việt Nam kể từ 1986 đến nay đã mở ra cho hệ thống các thể loại văn học của ta những cơ hội cách tân, đổi mới toàn diện. Thơ ca giầu chất triết lý, đào sâu vào thế giới tâm linh hỗn mang của con người, tổ chức câu thơ, dòng thơ, tứ thơ ít nhiều mang màu sắc hậu hiện đại. Văn xuôi tự sự (tiểu thuyết, truyện vừa, truyện ngắn, ký...) hướng tới sự đa thanh phức điệu, xuất hiện nhiều biểu trưng nghệ thuật đa nghĩa... Hầu hết các thể loại đều có xu hướng giảm thiểu tối đa dung lượng tác phẩm (tiểu thuyết ngắn, truyện ngắn cực ngắn, thơ một câu...).

Bạn đã đọc hết các phần đã được đăng tải.

⏰ Cập nhật Lần cuối: May 24, 2010 ⏰

Thêm truyện này vào Thư viện của bạn để nhận thông báo chương mới!

THỂ LOẠI VĂN HỌCNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ