THỂ LOẠI VĂN HỌC

17.2K 20 8
                                    

THỂ LOẠI VĂN HỌC

1. Khái niệm, tính chất của thể loại

1.1. Thể loại là hình thức chỉnh thể của tác phẩm văn học

Tác phẩm văn học là một chỉnh thể thống nhất toàn vẹn giữa các yếu tố hợp thành trong đó thể loại là khái niệm chỉ quy luật loại hình của tác phẩm. Ứng với mỗi nội dung vốn có trong hiện thực sẽ có những phương thức phản ánh tương ứng. Sự thống nhất này là do các phương thức chiếm lĩnh đời sống của văn học vốn ứng với các dạng thức tồn tại nhất định của thế giới thực tại. Các hình thức phản ánh thực tại của văn học cũng tương thích với các hình thức hoạt động nhận thức của con người: hoặc trầm tư suy nghĩ, chiêm nghiệm; hoặc lần theo diễn biến của các sự kiện, biến cố liên tục, sinh động; hoặc cảm nhận đối tượng trong các trạng thái xung đột, mâu thuẫn... Trong sáng tạo nghệ thuật, các thể loại trữ tình phù hợp với kiểu nhận thức đối tượng bằng trạng thái xúc cảm, suy nghĩ, chiêm nghiệm. Các loại thể tự sự tìm được ưu thế phản ánh từ nhu cầu nhận thức các đối tượng diễn biến sinh động trong những hoàn cảnh không gian và thời gian nhất định. Các thể loại kịch đặc biệt phù hợp với hình thức nhận thức thế giới đối tượng theo lối "mục sở thị" trực tiếp các xung đột và mâu thuẫn. Như vậy ứng với mỗi nhu cầu khám phá, phản ánh hiện thực sẽ có những hình thức thể loại tương thích. Người nghệ sỹ khi sáng tạo văn học cần tìm đến những hình thức thể loại phù hợp nhất với tính chất của hiện thực và có khả năng phản ánh đắc địa các phạm vi hiện thực đó. Chẳng hạn thơ hợp tạng với loại hiện thực cần sự ngẫm ngợi, suy tư; truyện hợp với loại hiện thực cần sự tái tạo sinh động các biến cố, sự kiện khách quan, ký có ưu thế nổi bật ở khả năng tiếp cận hiện thực trong "thế nhìn gần" các sự kiện bản thể nguyên vẹn... Thể loại là sản phẩm của quá trình kiếm tìm hình thức phản ánh hiện thực, nó do thực tại cuộc sống trực tiếp "đặt hàng" với nhà văn.

Tuỳ thuộc đặc trưng của mình, mỗi thể loại có những quy luật, cách thức tổ chức tác phẩm riêng. Cách thức phản ánh hiện thực trực tiếp chi phối cách tổ chức tác phẩm của mỗi thể loại. Tổ chức văn bản truyện khác với thơ; thơ khác với ký, ký khác với kịch. Không có kiểu tổ chức tác phẩm chung nhất cho các thể loại vốn có những đặc trưng khác nhau. Tổ chức truyện là tổ chức cốt truyện thông qua hệ thống các biến cố, sự kiện, nhân vật, các thành phần trần thuật... Tổ chức thơ là tổ chức cấu tứ thơ thông qua cảm xúc, hình ảnh, hình tượng, bố cục dòng thơ, câu thơ, khổ thơ, đoạn thơ... Tổ chức tác phẩm ký tự sự là nghệ thuật liên kết sự kiện, tạo dựng điểm nhìn của chủ thể trần thuật, bố trí nhân chứng, số liệu khách quan xác thực... Quy luật tổ chức tác phẩm theo đặc trưng từng thể loại cũng là một khía cạnh xác định quy luật loại hình của tác phẩm, tạo cho tác phẩm văn học một hình thức tồn tại chỉnh thể tương đối ổn định khu biệt với tác phẩm thuộc các thể loại khác.

Thể loại không chỉ là cách thức phản ánh hiện thực, một cách nhìn có phần cố định hoá trong sự cách tân không ngừng đối với hiện thực để kiến tạo tác phẩm mà còn là sự "mách bảo" đối với người đọc về tính chất đặc thù của từng loại tác phẩm. Do vậy mỗi thể loại sẽ tạo ra "kênh giao tiếp" riêng đối với người đọc khi tiếp nhận tác phẩm. Giao tiếp thơ không giống với giao tiếp kịch, giao tiếp bằng tiểu thuyết rất khác với giao tiếp qua tác phẩm ký hay chính luận... Bởi lẽ mỗi thể loại ấy cần có những hình thức ngôn ngữ, các phương tiện nghệ thuật và kinh nghiệm phản ánh hiện thực, cách thức tổ chức tác phẩm riêng và tất yếu sẽ có các phương thức giao tiếp đặc thù cho mỗi người đọc. Không có cách đọc chung nhất áp đặt cho các tác phẩm thuộc các hình thức thể loại khác nhau. Xưa nay không phải ngẫu nhiên mà các tác giả thường ghi tên thể loại ngay sau nhan đề tác phẩm, chẳng hạn: Những linh hồn chết - Trường ca (Gôgôn); Con trâu - Tiểu thuyết (Nguyễn Văn Bẩy); Người đàn bà ngồi đan - Thơ (Ý Nhi); Kẻ sát nhân lương thiện - Truyện ngắn (Lại Văn Long); Nhạn - Truyện cực ngắn (Thạch Chung Sơn) v.v... Bằng việc thông tin tên thể loại, nhà văn muốn dự báo cho người đọc các phạm vi cuộc sống được quan tâm, cách tiếp cận và quan sát đối với nó, hướng họ vận dụng các kinh nghiệm nhất định vào việc tiếp nhận tác phẩm. Thậm chí tên thể loại đã gắn kết thành bộ phận không thể tách rời với tên tác phẩm: Bình ngô đại cáo; Thượng kinh ký sự; Hoàng Lê nhất thống chí; Truyền kỳ mạn lục; Chinh phụ ngâm...

Bạn đã đọc hết các phần đã được đăng tải.

⏰ Cập nhật Lần cuối: May 24, 2010 ⏰

Thêm truyện này vào Thư viện của bạn để nhận thông báo chương mới!

THỂ LOẠI VĂN HỌCNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ