cau 2 doc lap dan toc la cot loi

729 0 0
                                    

b) Độc lập dân tộc là nội dung cốt lõi của vấn đề dân tộc thuộc địa.

- Hồ Chí Minh tiếp cận quyền dân tộc từ quyền con người được xác lập từ giá trị cách mạng thế giới mang lại.

Hồ Chí Minh tiếp cận quyền con người hoàn toàn khác với các học giả tư sản và những nhà tư tưởng hay triết học của nhân loại, cách tiếp cận của Người “hoàn toàn mới mẻ và sâu sắc. Người xuất phát từ truyền thống dân tộc, từ đặc điểm của thời đại và con người hiện thực để xem xét và giải quyết vấn đề quyền con người. Với cách xem xét đó thì quyền con người ở Việt Nam chỉ có thể được giải quyết thông qua một cuộc cách mạng hiện thực” . Nhận thức về quyền con người của Hồ Chí Minh là sự kế thừa những giá trị tư tưởng trong hai bản Tuyên ngôn Độc lập của Cách mạng Mỹ 1776 và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp 1791, trong Tuyên ngôn độc lập của Mỹ khẳng định: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” . Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp khẳng định: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi” . Như vậy, từ quyền con người mà thành tựu các cuộc cách mạng Mỹ và Pháp đưa lại, Hồ Chí Minh đã nâng lên thành quyền dân tộc, Người khẳng định: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do” . Từ lý luận về quyền con người mà hai cuộc cách mạng Mỹ và Pháp xác lập, trở thành giá trị phổ biến, khi lý luận xâm nhập vào thực tiễn, cụ thể là thực tiễn của cách mạng Việt Nam đã hình thành một khái niệm mới, đó là quyền dân tộc. Hồ Chí Minh đã nâng quyền con người lên thành quyền dân tộc là hợp với lẽ tự nhiên, vì quyền con người nằm trong quyền dân tộc, vi phạm quyền dân tộc, điều đó cũng có nghĩa là vi phạm quyền con người. Điều này nó trái với chân lý đã được khẳng định trong Tuyên Ngôn của Cách mạng Mỹ và Cách mạng Pháp.

Với cách tiếp cận này, Hồ Chí Minh đã đặt quyền con người vào trong quyền dân tộc, một bộ phận trong quyền dân tộc, muốn giải phóng con người thì phải giải phóng dân tộc, vì không thể có tự do cho mỗi con người, nếu dân tộc còn nô lệ, mất độc lập tự do; không thể có tự do hạnh phúc cho mỗi con người, nếu dân tộc còn nghèo nàn lạc hậu.

- Nội dung của độc lập dân tộc

Độc lập dân tộc đã trở thành một giá trị thiêng liêng của dân tộc Việt Nam. Hồ Chí Minh đã kế thừa những truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử. Đó là ý thức về sự thể hiện chủ quyền của dân tộc, tiêu biểu như Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi đã khẳng định: “Như nước Đại Việt ta từ trước; Vốn xưng nền văn hiến đã lâu; núi sông bờ cõi đã chia, phong tục Bắc Nam cũng khác”. Hay như Lý Thường Kiệt cũng từng khẳng định tương tự: “Sông núi nước Nam vua Nam ở; Rành rành định phận ở sách trời”. Đây là những tư tưởng thể hiện ý thức độc lập tự chủ của dân tộc đã được ghi nhận. Đó là một lẽ tự nhiên.

Kế thừa những tư tưởng đó, khi Việt Nam mất độc lập, dưới sự thống trị của thực dân Pháp, Nguyễn Tất Thành đã quyết định ra đi tìm đường cứu nước giải phóng dân tộc. Trong quá trình hoạt động cứu nước tư tưởng về độc lập chủ quyền dân tộc của Hồ Chí Minh là thống nhất trước sau như một. Bao giờ cũng nung nấu một ý chí, quyết tâm để đấu tranh giành độc lập dân tộc. Đó là một khát vọng cháy bổng của Hồ Chí Minh và độc lập đã trở thành một nguyên tắc bất biến. Khát vọng đó được Người thể hiện rất rõ khi sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam 1930, Người xác định mục tiêu chính trị của Đảng là: “Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến. Làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập” . 

Khi trở về trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Người chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ 8(5.1941) và trong thư Kính cáo đồng bào, chỉ rõ: “Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy” . Khi thời cơ thuận lợi cho cuộc khởi nghĩa đã đến, Người đưa ra quyết tâm “Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường sơn này cũng phải giành cho được độc lập dân tộc”. Cách mạng Tháng 8 thành công, Người khẳng định cho thế giới biết khát vọng của dân tộc Việt Nam “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy” .

Đối với Hồ Chí Minh, hoà bình chân chính trong nền độc lập dân tộc để nhân dân xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc cũng là quyền cơ bản của dân tộc. Hoà bình không thể tách rời độc lập dân tộc, và muốn có hoà bình thật sự thì phải có độc lập thật sự. Hồ Chí Minh đã nêu: “Nhân dân chúng tôi thành thật mong muốn hoà bình. Nhưng nhân dân chúng tôi cũng kiên quyết chiến đấu đến cùng để bảo vệ độc lập và chủ quyền thiêng liêng nhất: toàn vẹn lãnh thổ cho Tổ quốc và độc lập cho đất nước” . Những tư tưởng đó đã tạo nên chân lý có giá trị lớn nhất cho mọi thời đại: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!”.

Bạn đã đọc hết các phần đã được đăng tải.

⏰ Cập nhật Lần cuối: Dec 26, 2011 ⏰

Thêm truyện này vào Thư viện của bạn để nhận thông báo chương mới!

cau 2 doc lap dan toc la cot loiNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ