Trình bày khái niệm, nguyên tắc ký kết hợp đồng KD thương mại

2.4K 1 1
                                    

*  Khái niệm: 

-  Hợp đồng kinh doanh, thương mại là sự thoả thuận giữa các bên (chủ yếu là các tổ chức kinh tế) nhằm làm xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt các quyền và nghĩa vụ kinh tế với nhau và đều nhằm mục đích sinh lợi. 

-  Việc phân biệt hợp đồng kinh doanh, thương mại với hợp đồng dân sự có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Toà án (Toà dân sự hay Toà kinh tế).

*  Nguyên tắc ký kết hợp đồng kinh doanh, thương mại 

-  Trong nền kinh tế thị trường, việc ký kết hợp đồng kinh doanh, thương mại là một trong các quyền tự do kinh tế của các tổ chức kinh tế. Các doanh nghiệp tham gia ký kết hợp đồng kinh doanh, thương mại không phải vì lợi ích của Nhà nước mà vì lợi ích, nhu cầu kinh tế của chính doanh nghiệp.

-  Để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của các bên tham gia ký kết, bảo vệ lợi ích của xã hội, việc ký kết hợp đồng kinh doanh, thương mại phải tuân theo những nguyên tắc nhất định do pháp luật quy định (luật chuyên ngành, Luật Thương mại và Bộ luật dân sự). Đó là những tư tưởng chỉ đạo, có tính chất bắt buộc đối với các chủ thể khi ký kết và thực hiện hợp đồng kinh doanh, thương mại. Tính bắt buộc này được thể hiện thông qua các quy phạm pháp luật cụ thể, mà theo đó hợp đồng kinh doanh, thương mại ký kết trái với nguyên tắc có thể sẽ bị vô hiệu ngay khi ký hoặc theo phán quyết của Tòa án có thẩm quyền khi có yêu cầu của các bên; đồng thời cũng là cơ sở để xét đến yếu tố lỗi của các bên khi giải quyết tranh chấp. 

-  Điều 389, Bộ luật dân sự đã quy định những nguyên tắc ký kết hợp đồng như sau:

+  Tự do giao kết hợp đồng nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội;

+  Tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác, trung thực và ngay thẳng.

-  Mục 2, Chương I Luật Thương mại cũng quy định các nguyên tắc cơ bản trong hợp đồng thương mại. Các nguyên tắc này bao gồm :

+  Các bên có quyền tự do thoả thuận không trái với các quy định của pháp luật, thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội để xác lập các quyền và nghĩa vụ của các bên trong hoạt động thương mại. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ các quyền đó.

+  Trong hoạt động thương mại, các bên hoàn toàn tự nguyện, không bên nào được thực hiện hành vi áp đặt, cưỡng ép, đe doạ, ngăn cản bên nào.

+  Trừ trường hợp có thoả thuận khác, các bên được coi là mặc nhiên áp dụng thói quen trong hoạt động thương mại đã được thiết lập giữa các bên đó mà các bên đã biết hoặc phải biết nhưng không được trái với quy định của pháp luật. 

+  Trường hợp pháp luật không có quy định, các bên không có thoả thuận và không có thói quen đã được thiết lập giữa các bên thì áp dụng tập quán thương mại nhưng không được trái với những nguyên tắc quy định trong Luật Thương mại và trong Bộ luật dân sự.

+  Trong hoạt động thương mại, các thông điệp dữ liệu đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật thì được thừa nhận có giá trị pháp lý tương đương văn bản.

Đề cương PLDLNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ