NLXH cuc coollll

179 0 0
                                    

Thạc sĩ Phạm Hữu Cường

(Bài đã in trên báo Giáo dục và Thời đại )

Con đi trọn kiếp con người

Cũng không đi hết những lời mẹ ru

(Nguyễn Duy)

Trong vô vàn mối quan hệ tình cảm hết sức tinh tế, phức tạp và phong phú của con người, thì tình cảm cao quý nhất, thiêng liêng nhất và vĩnh cửu nhất, có lẽ, bao giờ cũng là tình mẫu tử. Những người mẹ, ai đã chẳng từng một lần mang nặng đẻ đau, từng vắt cạn kiệt dòng sữa đời mình nuôi con khôn lớn?... Và những người con, có mấy ai lại không lớn lên bên những lời ru à ơi, trong vòng tay cưu mang ưu ái của mẹ mình? Phải chăng tình mẫu tử chính là tuổi thơ của loài người còn sót lại:

Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa

Miệng nhai cơm búng, lưỡi lừa cá xương

Sau hàng loạt những thử nghiệm và quan sát, trong các công trình khoa học của mình, nhiều nhà khoa học Mĩ và Pháp đã khẳng định rằng, từ trước khi đứa trẻ biết nói, thậm chí ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ, giữa đứa trẻ và người mẹ đã có một mối quan hệ giao tiếp hết sức đặc biệt, gọi là sự giao tiếp tiền ngôn ngữ. Khi quá trình giao tiếp đó diễn ra (và bao giờ cũng diễn ra một cách thường xuyên), người mẹ có thể cảm nhận được những thông điệp, những biểu hiện phong phú của các sắc thái tình cảm, những nhu cầu vật chất tinh thần và cả những thái độ (như sự tin tưởng, trách móc)… từ phía con mình. Ngược lại, đứa trẻ cũng có thể nhận được những tín hiệu tương tự từ phía người mẹ như sự âu yếm, sự bao dung…(tất nhiên, điều này chỉ diễn ra đối với những bào thai từ tháng thứ 6 trở lên). Ở mọi nơi trên thế giới, đối với mọi dân tộc, mọi màu da, mọi tín ngưỡng, tôn giáo, đẳng cấp…tình mẫu tử đều được bắt đầu như thế và đều đồng hành với đa số kiếp người cho tới tận ngày nhắm mắt xuôi tay. Thì ra, tình mẫu tử có thể bao dung được cả loài người, nó không có tuổi; và dù xét ở góc độ thời gian hay không gian, nó cũng luôn là thứ tình cảm không có biên cương.

Ngay ở loài vật, tình mẫu tử cũng vô cùng cao quý, thiêng liêng, cũng khiến con người xúc động. Các nhà khoa học Nga và Mĩ kể lại rằng, ở vùng Bắc cực, có một loài chim thường sinh nở vào mùa tuyết phủ. Không thể kiếm được thức ăn cho con trong môi sống khắc nghiệt, những người mẹ - những con chim tội nghiệp và dũng cảm ấy - tự dùng mỏ rỉa thịt của mình để mớm cho con. Thời gian qua đi, cái lạnh giá cũng dần qua, khi những đứa con lớn dần lên, cũng là lúc những con chim mẹ đã hiến trọn thân mình vì con ấy gục ngã vì kiệt sức, khắp người bê bết máu.

Và đây, ngay ở Việt nam, cũng có những con chim yến (yến hàng – tên khoa học viết theo tiếng Latinh là Collocalia fuciphaga germanicuts), những thiên thần của biển cả. Không thèm dùng tới một cọng rác, một chiếc lá, yến làm tổ cho con bằng chính khí huyết, thể xác của mình. Yến nuôi con không phải bằng sâu, bọ, thóc, đậu, hay thịt chết tìm kiếm được… như các loài chim khác mà bằng chính những gì yến rút ruột ra, yến chắt từ cơ thể. Đó là một chất dãi màu trắng đục, được tiết ra từ cái tuyến hạch màu lam ở dưới hầu, mà các cụ gọi là máu sữa, tâm dịch, ngọc dịch…Khi tâm dịch bị khô, yến không khạc thêm được nữa, và lúc ấy nó bắt đầu thổ huyết (huyết nhũ). Cũng chẳng có loài chim nào chăm nuôi con như yến. Đến Khánh Hòa (Nha Trang), thử cầm ống nhòm dõi lên vách đá mà xem, chúng ta sẽ thấy, chim yến bố, chim yến mẹ ngậm lấy mỏ con và trún cho con ăn, không khác gì những người mẹ mớm cho con ăn suốt thời thơ bé…

hoan canh sang tac cac tac pham van thi dhNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ