4. Thất bại của thị trường

13.1K 3 1
                                    

Phân bổ có hiệu quả các nguồn lực khan hiếm là một yêu cầu rất quan trọng của bất

kỳ một nền kinh tế nào. Hiệu quả Pareto được coi là một chuẩn mức chung để đánh

giá việc phân bổ nguồn lực. Một sự phân bổ được coi là hiệu quả Pareto đối với

một tập hợp nhất định các sở thích của người tiêu dùng, khi mà các nguồn lực và

công nghệ nếu không có khả năng dịch chuyển tới một sự phân bố khác có thể làm

cho một số người tốt hơn lên mà không làm cho một số người khác nghèo khó hơn.

Trong điều kiện tất cả các thị trường của nền kinh tế là cạnh tranh hoàn hảo thì

điểm cân bằng của nền kinh tế sẽ có tính hiệu quả Pareto. Bởi lẽ ở đó bảo đảm chi

phí cận biên cho việc sản xuất mọi hàng hoá / dịch vụ đúng bằng lợi ích cận biên

của nó đối với người tiêu dùng. Tuy nhiên, nền kinh tế thị trường không hoàn toàn

tối ưu mà chính trong nó cũng vốn có những mặt trái, những thất bại và trục trặc

mà con người không mong muốn. Thất bại của thị trường là thuật ngữ để chỉ các

tình huống trong đó điểm cân bằng của các thị trường tự do cạnh tranh không đạt

được sự phân bổ nguồn lực có hiệu quả.

Thất bại của thị trường phát sinh do một số vấn đề như:

4.1 Tình trạng cạnh tranh không hoàn hảo

Trong thị trường cạnh tranh hoàn hảo, quyết định sản xuất của các doanh nghiệp

hướng tới điều kiện cân bằng chi phí cận biên và giá cả của hàng hoá và do vậy

cũng bằng lợi ích cận biên đối với người tiêu dùng.

Trong các ngành cạnh tranh không hoàn hảo, người sản xuất tối đa hoá lợi nhuận

khi chi phí cận biên bằng doanh thu cận biên; Trong khi đó người tiêu dùng lại cân

bằng giá cả với những lợi ích biên thu được từ việc tiêu dùng đơn vị hàng hoá cuối

cùng. Vì vậy, trong thị trường cạnh tranh không hoàn hảo, lợi ích cận biên sẽ vượt

quá chi phí cận biên, người sản xuất có xu hướng thu hẹp sản xuất và định giá sản

phẩm cao. Trạng thái cân bằng của thị trường không còn là trạng thái hiệu quả

Pareto nữa.

4.2 Tác động của các ngoại ứng

Yếu tố ngoại ứng xuất hiện khi một quyết định sản xuất hoặc tiêu dùng của

một/một số cá nhân tác động trực tiếp đến việc sản xuất hay tiêu dùng của những

người khác mà không thông qua giá cả thị trường.

Ngoại ứng có thể tạo ra tác động tích cực (đem lại lợi ích) hoặc tác động tiêu cực

(tạo ra chi phí) cho những người khác, dẫn đến sự chênh lệch giữa chi phí hoặc lợi

ích cá nhân với chi phí hoặc lợi ích xã hội bởi vì không có hoạt động thị trường

nào chi phối được yếu tố ngoại ứng. Điều này dẫn đến kết quả là thị trường tự do

có thể ở tình trạng sản xuất quá nhiều và định giá quá thấp hoặc ngược lại, ở tình

trạng sản xuất quá ít và định giá quá cao so với điểm có hiệu quả Pareto.

4.3 Vấn đề cung cấp các hàng hoá công cộng

Hàng hoá được gọi là hàng hoá công cộng nếu các đơn vị của nó không thể chia cắt

và phân biệt rõ ràng. Đối với hàng hoá công cộng, mọi người đều tự do hưởng thụ

các lợi ích do hàng hoá đó mang lại và sự hưởng thụ của người này không làm mất

đi khả năng hưởng thụ của những người khác. ở đây sẽ xuất hiện những "kẻ ăn

không", đó là những người có thể tiêu dùng mà không phải thanh toán cho dù việc

sản xuất ra hàng hoá đó là tốn kém. Nếu để các cá nhân riêng lẻ đảm nhận việc

cung cấp các hàng hoá công cộng nói trên sẽ dẫn đến tình trạng cung không đủ với

số lượng mong muốn ở mức có hiệu quả. Hàng hoá công cộng chính là một trường

hợp đặc biệt của ngoại ứng mà tác động tạo ra hoàn toàn là có lợi.

4.4 Sự thiếu vắng của một số thị trường

Khi thiếu vắng một số thị trường, sự cân bằng của thị trường tự do sẽ dẫn đến việc

phân bổ các nguồn lực không hiệu quả. Có thể giải thích các thị trường thiếu vắng

bằng ba đặc tính: thiếu các hàng hoá tương lai, rủi ro và thiếu thông tin.

• Thiếu các hàng hoá tương lai:

Hầu hết các hàng hoá trên thị trường đều không định hướng đầy đủ vào tương lai,

và xảy ra tình trạng đầu tư quá ít cho những hàng hoá có thể thích hợp trong tương

lai (ví dụ, chừng nào còn đủ năng lượng từ các nguồn khác thì còn thiếu đầu tư vào

năng lượng mặt trời cho tương lai). Khi thiếu vắng các thị trường định hướng về

tương lai này, không thể chờ đợi rằng hệ thống giá cả sẽ đảm bảo cho chi phí và lợi

ích của các hàng hoá tương lai sẽ bằng nhau.

• Rủi ro:

Thực tế đã có những cơ chế thị trường như bảo hiểm cho phép rủi ro chuyển từ

người ghét nó sang người sẵn sàng gánh chịu nó với một chi phí nào đó. Phí bảo

hiểm có thể làm cân bằng chi phí cận biên và lợi ích cận biên của gánh chịu rủi ro.

Tuy nhiên, không có thị trường bảo hiểm dành cho các hiện tượng như sự ấm lên

của trái đất, mực nước biển dâng lên và các rủi ro dài hạn khác.

• Thiếu thông tin:

Thu thập thông tin là một việc tốn kém. Trong thực tế, nhiều thông tin được giữ bí

mật, một số thông tin khác như kiến thức kỹ thuật và một số hàng hoá phù hợp có

thể vẫn tồn tại nhưng không phải ai cũng có thể tiếp cận. Bên cạnh đó, các thông tin

về giá trị của các nguồn tài nguyên (ví dụ đa dạng sinh học...) hay thiệt hại do ô

nhiễm... nhiều khi cũng không đầy đủ, rõ ràng; quyết định sản xuất hay tiêu dùng

khi không có đầy đủ thông tin sẽ khó mà đạt được điểm hiệu quả tối ưu.

Bạn đã đọc hết các phần đã được đăng tải.

⏰ Cập nhật Lần cuối: May 24, 2009 ⏰

Thêm truyện này vào Thư viện của bạn để nhận thông báo chương mới!

4. Thất bại của thị trườngNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ